Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

NHỊP ĐỘ (TEMPO) và TIẾT TẤU (RYTHM)


Có 4 yếu tố chính tạo nên cấu trúc của một tác phẩm âm nhạc,đó là : Giai điệu (Melody),tiết tấu (Rythm),hòa âm (Harmony) và bè trầm(Bass) .

Trong 4 yếu tố đó thì tiết tấu giữ vai trò nền tảng tựa như nền móng của ngôi nhà hay chiếc trục của bánh xe,trái tim của sự sống.Tiết tấu chính là nhp đập của trái tim từ khi sự sống đang còn phôi thai như các bạn thấy trong đoạn phim trên.Nhịp đập của trái tim khiến dòng máu luân lưu trong huyết quản thể hiện ra từng nhịp mạch đập đều.Cho nên khái niệm đầu tiên về tiết tấu của trái tim chính là nhịp đập của mạch máu.Tốc độ thay đổi của nhịp đập ấy được gọi là nhịp độ(tempo),là thước đo thời gian cho dòng sông giai điệu trôi nhanh hay chậm,hối hả hay êm đềm,cuồng nhiệt hay lắng đọng,chẳng khác nào nhịp mạch là biểu hiện của những cảm xúc tinh tế đa dạng của con tim.

Từ trái tim,tiết tấu vang lên như những tiếng trống bập bùng rộn rả mà các bạn nghe thấy trong đoạn phim trên.Tiếng trống là biểu tượng về niềm hoan lạc của sự sống gọi nhau sinh sôi nẩy nở lan tràn.Trống là nhạc cụ có mặt rất sớm trong nền văn minh âm nhạc của con người,nó được xử dụng trong những buổi tế lễ,những lễ hội của những bộ lạc sơ khai như là biểu hiệu của lòng say mê,tôn sùng tình yêu cuộc sống rất diệu kỳ và giản dị.Tiết tấu là linh hồn của những động tác đa dạng trong cuộc sống của con người,từng cái đưa tay đưa chân,xoay cổ xoay người,cúi lên cúi xuống,từng bước đi,từng cú nhảy.Nói chung tiết tấu là vận động của sự sống.



Mời các bạn nghe một đoạn nhạc cổ điển trong clip trên đây.Chẳng có một tiếng trống nào ! Thế chẳng lẽ đoạn nhạc cổ điển trên không có nhịp độ và tiết tấu sao ? Thưa bạn không đâu ! Không có âm nhạc nào có thể tách rời khỏi nhịp độ và tiết tấu,cũng như không có một vận động cơ thể nào lìa khỏi nhịp tim ! Nhịp độ và tiết tấu của đoạn nhạc trên chính là những đầu ngón tay nghệ sĩ bấm xuống phìm đàn phím kèn,những vĩ đàn kéo lên kéo xuống.Bạn hãy nghe tiếp khi ta ghép trống vào thử xem.Thật kỳ diệu phải không thưa bạn ?

Khi chơi nhạc cổ điển,nhịp độ tựa như một máy đánh nhịp ẩn trong tim nghệ sĩ.Nó là điều kiện tuyệt vời để ta có thể diễn đạt âm nhạc của tình yêu,biển cả,chiều tà,đêm sâu một cách lắng đọng mơ màng.Bạn hãy nghe đoạn song tấu cello và piano tiếp theo.Bản tay phải của nghệ sĩ piano thả từng giọt nhịp rơi trên phím đàn tựa như một cơn mưa nhỏ để nghệ sĩ cello lang thang trong cơn mưa ấy với tiết tấu dặt dìu của từng câu hát nỉ non.

Âm nhạc quả thật tuyệt vời phải không thưa bạn ? Nhưng đến đây chỉ mới có nửa đoạn đường về câu chuyện của nhịp độ và tiết tấu.Mời các bạn xem tiếp nhé.

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

WHAT A WONDERFUL WORLD



WHAT A WONDERFUL WORLD là một ca khúc được sáng tác bởi Bob Thiele (1922-1996),nhà sản xuất băng đĩa người Mỹ,và George David Weiss (1921-2010),nhạc sĩ Mỹ,được phát hành năm 1968 tại Mỹ quốc với giọng ca của Louis Armstrong (1901-1971),ca sĩ da đen và nhạc sĩ nhạc jazz thổi kèn trumpet lừng anh của nước Mỹ.

Nội dung của bài hát là một niềm vui lớn trong hiện tại khi nhìn vào thế giới quanh ta bằng đôi mắt trong sáng với tâm hồn thanh thản.Hy vọng đó là một thông điệp có giá trị cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống đầy khó khăn này.Chỉ cần một giây phút lắng lòng để nhìn sâu vào đời,có lẽ chúng ta sẽ phát hiện ra muôn vàn cái đẹp kỳ diệu rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày quanh ta mà ta không có thời gian để quan tâm đến.Lúc ấy hy vọng chúng ta sẽ thốt lên :"What a wonderful world."

 

Tôi trông thấy những cây xanh,những đóa hồng đỏ thắm
Chúng nở hoa cho bạn cho tôi
Tôi thầm thì với chính cõi lòng tôi
Một thế giới tuyệt vời ! Ôi kỳ diệu !

Tôi trông thấy bầu trời xanh mây trắng
Ánh sáng chúc phúc ngày,bóng tối hiến dâng đêm
Tôi thầm nhủ lòng bằng câu nói dịu êm
Ôi thế giới tuyệt vời thêm kỳ diệu !

Sắc cầu vồng trên nền trời tuyệt mỹ
Cũng lunh linh trên sắc diện mọi người qua
Họ bắt tay nhay những bè bạn gần xa
Lời chào hỏi tỏ bày tình yêu bạn.

Tôi lắng nghe trẻ khóc và ngắm nhìn chúng lớn
Chúng học hỏi bao điều thông tuệ hơn tôi
Tôi nhủ thầm với chính cõi lòng tôi
Một thế giới tuyệt vời ! Ôi kỳ diệu !

Một thế giới tuyệt vời ! Ôi kỳ diệu !

BALLET SWAN LAKE

 

BALLET là một thể loại vũ kịch của âm nhạc cổ điển tây phương có lịch sử phát triển từ thời kỳ phục hưng ở châu Âu (thế kỷ 15),từ Ý sang Pháp đến Nga.Các động tác múa là một dạng ngôn ngữ nghệ thuật rất đặc biệt được kết hợp chặt chẽ với âm nhạc để diễn đạt nội dung của một vở kịch bằng những biểu tượng đa dạng có tính biểu cảm sâu sắc.Peter Ilyich Tchaikovsky (1840-1893) là nhạc sĩ thiên tài người Nga đặc sắc nhất trong những tác phẩm âm nhạc viết cho vũ kịch Ballet.Mời các bạn thưởng thức vở Ballet SWAN LAKE (Hồ Thiên Nga) của ông đã nổi tiếng khắp thế giới hàng trăm năm nay.Trước khi thưởng thức vở Ballet rất đặc sắc và cảm động này,mời các bạn tham khảo thêm thông tin và nội dung của Swan Lake theo link sau đây : http://en.wikipedia.org/wiki/Swan_Lake


OPERA CARMEN


OPERA là một thể loại nhạc kịch của âm nhạc cổ điển tây phương.Lời thoại của kịch bản được viết thành bài hái với phần phụ họa của dàn nhạc giao hưởng.Để viết một vở opera hoàn chỉnh nhạc sĩ phải mất rất nhiều công sức và phần dàn dựng để trình diễn cũng tốn rất nhiều công phu.Mời các bạn thưởng thức vở Opera Carmen nổi tiếng của nhạc sĩ người Pháp Georges Bizet (1838-1875).Trước khi thưởng thức vở nhạc kịch này có lẽ mời các bạn xem thêm thông tin của vở kịch và phần tóm lược nội dung theo đường link sau đây : http://vi.wikipedia.org/wiki/Carmen

Nhạc sĩ violon tài hoa người Tây Ban Nha Pablo De Sarasate (1844-1908),người được mệnh danh là Paganini của xứ đấu bò đã viết lại phần âm nhạc của Opera Carmen cho đàn violon độc tấu với tựa đề CARMEN FANTASY bằng tất cả cảm xúc và tài năng của mình.Mời các bạn thưởng thức tác phẩm này qua phần trình tấu của Sarah Chang (sinh năm 1980),nghệ sĩ violon nữ người Mỹ gốc Hàn quốc,một violnist trẻ tuổi tài hoa được đánh giá là cây vĩ cầm nữ tài sắc vẹn toàn của thế giới đầu thế kỷ 21.

MOONLIGHT SONATA





MOONLIGHT SONATA (Bản sô nát ánh trăng) chương Adagio (nhịp độ chậm),là chương 1 của sonata số 14 cung Đô thăng thứ viết cho đàn piano solo của Beethoven,là một bản nhạc được ưa chuộng rộng rãi khắp thế giới không chỉ riêng trong giới chuyên môn mà còn trong đông đảo quần chúng bởi giai điệu rất đẹp và thanh thản lóng lánh trên tiết tấu đều đặn của nền hòa âm sâu lắng u buồn,tựa như những mảnh trăng vàng ánh lóe lên trên từng mảng sóng nhấp nhô êm ả của mặt hồ trong đêm.

Có rất nhiều huyền thoại chung quanh bản sonata này dựa trên những thư tịch của tác giả còn để lại sau khi ông qua đời.Nhưng nguyên do sáng tác được thừa nhận nhiều nhất là Beethoven đã viết bài này (1802) để tặng cho một cô gái mù là nữ sinh học đàn piano của ông.Bản gốc có tựa đề tiếng Ý (vì Italia là cái nôi của âm nhạc phương tây,nên các nhạc sĩ thời ấy thường dùng tiếng Ý làm đề tựa đề cho tác phẩm của họ) là SONATA QUASI UNA FANTASIA,có nghĩa là bản sô nát với phong cách ngẫu hứng.Cái tựa đề sô nát ánh trăng là do nhà thơ Đức Ludwig Rellstab,bạn thân của Beethoven,đặt cho trong một bài bình luận của ông (1832) về tác phẩm này 5 năm sau khi Beethoven qua đời.

Mời các bạn thưởng thức nhé


Bên cạnh Moonlight Sonata của Beethoven còn có một tác phẩm piano solo về trăng rất nổi tiếng và cũng được ưa chuộng rộng khắp thế giới là bản CLAIR DE LUNE chủa nhạc sĩ cận đại Pháp CLAUDE DEBUSSY (1862-1918),người nhạc sĩ tiên phong của trường phái âm nhạc ấn tượng cuối thế kỷ 19.

CLAIR DE LUNE cung Re giáng trưởng là một tiểu phẩm viết cho đàn piano trích từ trong SUITE BERGAMASQUE (một liên khúc viết cho khí nhạc gồm nhiều tiểu phẩm nối tiếp nhau))được Debussy viết vào khoảng năm 1890,sau đó được ông hoàn chỉnh dần và xuất bản vào năm 1905.Tác phẩm mở đầu với tiết tấu chậm rãi,chỉ có bè hòa âm rất mỏng gắn vào những bước giai điệu man mác êm đềm tựa như vầng trăng thanh khiết đang từ từ lộ ra trên nền trời chiều êm ả,và sáng dần lên khi bóng đêm bắt đầu lan tỏa.Đoạn tiếp theo,ta nghe nhịp độ của nền hòa âm tăng nhanh dưới bước đi sáng dần lên của giai điệu tựa như ánh trăng đang lóng lánh muôn ngàn mảnh,vỡ ra trên sóng nước lung linh khi trăng đang dần lên cao trên bầu trới đêm.Ở đoạn cuối giai điệu chậm lại dần trên nền hòa âm cũng thưa thớt dần,tựa như đêm đã gần tàn và trăng cũng gần phai,ta nghe như có hơi gió êm đềm lan tỏa trong ánh trăng nhạt dần khi đêm bắt dằu về sáng.

Mời các bạn thưởng thức nhé

SYMPHONY (NHẠC GIAO HƯỞNG)



SYMPHONY có thể được xem như là hình thức cao nhất của âm nhạc cổ điển tây phương.Hình thức âm nhạc của nó chính là một sonata,nhưng được phân bè cho tất cả các nhạc cụ khác nhau trong dàn nhạc giao hưởng (symphony orchestra).Để trình tấu một bản sonata chỉ cần một hoặc hai nhạc cụ,nhưng để trình tấu một bản symphony thì phải cần cả một dàn nhạc giao hưởng.

Dàn nhạc giao hưởng gồm nhiều nhạc cụ khác nhau chia làm 4 nhóm chính là nhóm dây (các loại đàn dây kéo) gồm có violin.viola,cello,double basse.Nhóm gỗ (các loại kèn sáo) gồm có kèn oboe,kèn clarinet,sáo flute,kèn basson.Nhóm đồng gồm có kèn trumpet,kèn trumbone,kèn horn,kèn tuba.Bộ gõ gồm có trống timpani (tróng định âm),cympal (chập chõa).Đó chỉ là phần cơ bản,người ta còn có thể đưa thêm vào đàn piano,đàn harp,các bộ gõ khác,v...v...

Một dàn nhạc như thế tựa như một hệ sinh thái hay một xã hội thu nhỏ.Mỗi một nhạc cụ có một nhiệm vụ riêng,nhưng tất cả các nhiệm vụ riêng đều được gắn kết tương hỗ nhau để tạo nên một tổng thể thống nhất và bền vững,diễn đạt những ý tưởng âm nhạc mang đậm tính nội tâm và trí tuệ với đầy ắp những hình ảnh của cuộc sống.Do âm thanh của mỗi nhạc cụ có một âm sắc đặc biệt khác nhau,nên khi chúng vang lên,bản nhạc giao hưởng tựa như một bức tranh sinh động với rất nhiều màu sắc và sắc độ khác nhau tạo nên một bố cục chặc chẽ đầy ấn tương đưa tâm hồn người nghe thấm nhập vào thế giới thiên nhiên hoành tráng,thế giới con người sinh động hòa lẫn với thế giới nội tâm đầy ắp những cảm xúc muôn màu.

Ba khuôn mặt lớn trong lịch sử phát triển symphony là 2 nhà soạn nhạc người Áo (Austria) Joseph Haydn (1732-1809),Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791),và nhà soạn nhạc người Đức Ludwig Van Beethoven (1770-1827).Mời các bạn thưởng thức 3 bản symphony tiêu biểu của 3 nhạc sĩ bất tử này.

CONCERTO



CONCERTO là một hình thức âm nhạc cổ điển phương tây thường có 3 chương (movement) được viết cho một nhạc cụ độc tấu (như violon,piano,cello,kèn,sáo...)với phần phụ họa của dàn nhạc giao hưởng (Symphony orchestra).Đặc điểm của concerto là sự đối đáp âm nhạc giữa nhạc cụ solo với dàn nhạc,và phần cadenza không có dàn nhạc phụ họa để cho nghệ sĩ độc tấu thể hiện tài năng với kỹ thuật cá nhân điêu luyện của riêng mình làm nổi bật tính năng đậc sắc của nhạc cụ.

Mời các bạn thưởng thức bản Concerto cho violin và dàn nhạc cung Re trưởng,chương 1,của Tchaikovsky (1840-1893),nhà soạn nhạc lỗi lạc người Nga,với sự trình tấu của nữ violinist tài danh đương đại Janine Jansen (sinh năm 1978) người của xứ hoa Tulip.




Mời các bạn thưởng thức tiếp chương 2.



Và chương 3.


Mời các bạn thường thức bản Concerto số 2 cung Fa thứ viết cho piano và dàn nhạc của Chopin được trình tấu bởi Arthur Rubinstein (1887-1982),nghệ sĩ piano người Ba Lan gốc Do Thái,công dân danh dự Mỹ,được giới chuyên môn bình chọn là người chơi Chopin hay nhất thế kỷ thứ 20.


Mời các bạn thưởng thức chương 2 bản Concerto De Aranjuez viết cho guitar và dàn nhạc của nhạc sĩ Tây Ban Nha Joaquin Rodingo (1901-1999),được trình tấu bởi John Williams (sinh năm 1941),nghệ sĩ guitar cổ điển lừng danh người Úc,cư trú lâu năm tại Anh quốc.Bản concerto này được đánh giá cao nhất trong các concerto viết cho guitar và dàn nhạc bởi nét đặc trưng của tâm hồn Tây Ban Nha.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

SONATA cho VĨ CẦM và DƯƠNG CẦM

  

SONATA là một hình thức âm nhạc cổ điển phương tây được sáng tác cho một nhạc cụ độc tấu hoặc hai nhạc cụ song tấu.Mỗi sonata thường có 3 hoặc 4 chương (movement)được phát triển từ một hoặc nhiều chủ đề âm nhạc khác nhau.Đặc điểm của hình thức sonata là sự đối đáp giữa các ý nhạc với nhau như là một song thoại.Do đó sonata viết cho 2 nhạc cụ song tấu sẽ khiến sự đối đáp ấy nổi lên thật rõ nét,đặc biệt là sonata cho violon và piano,bởi tiếng đàn violon tựa như lời tự tình của một chàng trai với piano tựa như nhan sắc của một cô gái.Đó là một cuộc hôn phối đầy thi vị giữa hai nhạc cụ được mệnh danh là vua (violon) và nữ hoàng (piano) của các nhạc cụ.

Sau đây mời các bạn thưởng thức bản sonata số 9 cung La trưởng (Còn được gọi là sonate Kreutzer,vì Beethoven đề tặng bài này cho Kreutzer,nhà sư phạm violon lỗi lạc người Pháp) nổi tiếng của Beetrhoven dưới sự trình tấu của nữ violinist tài danh người Đức Anne Sophie Mutter và nam pianist Lambert Orkis,danh cầm người Mỹ.



Mời các bạn thưởng thức tiếp bản sonata cho violin và piano KV 301 cung Sol trưởng của Mozart được trình tấu bởi Hillary Hahn,nữ violinst,ngôi sao trẻ tuổi sáng chói của nước Mỹ,và nữ pianist Trung Quốc trẻ tuổi Natalie Zhu,thành tài trên đất Nỹ và là ngôi sao sáng của nhiều giải thưởng lớn.




CÂY DƯƠNG CẦM



Dương cầm (Piano) được xem như một dàn nhạc giao hưởng thu nhỏ.Với 88 phím trải dài từ âm vực cực trầm tựa như những tiếng vang rền từ lòng đất đến cực bỗng thánh thót như những giọt nước trời cùng với âm lượng cực lớn tạo nên một biên độ sắc thái cực rộng khiến cây piano có khả năng diễn đạt những sắc thái tinh tế nhất của một tác phẩm âm nhạc tựa như những sắc màu đậm nhạt tinh vi của một bức tranh.

Trăm nghe không bằng một thấy.Mời các bạn thưởng thức tác phẩm Polonaise cung La giáng trưởng của Chopin (1810-1849),nhạc sĩ piano người Ba Lan(lai Pháp) được mệnh danh là nhà thơ của âm nhạc.Polonaise là một vũ điệu dân gian của người Ba Lan.Chopin dựa trên nền tiết tấu của vũ điệu này mà đưa vào những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của quê hương mình cũng với những kỷ niệm tuổi thơ và những khát vọng tình yêu mãnh liệt.Nghệ sĩ trình tấu Vladimir Horowitz (1903-1989),người Nga gốc Do Thái,vượt biên sang Châu Âu sau cách mạng Bonsevich 1917,được mệnh danh là pianist của thế kỷ thứ 20.

 


Sau đây mời các bạn thưởng thức bản La Campanella (tiếng chuông của người chăn cừu) của Paganini viết cho đàn violon solo với dàn nhạc giao hưởng,được Franz Liszt (1811-1886),nhạc sĩ piano người Hungary,được mệnh danh là pianist siêu đẳng nhất về kỹ thuật piano cổ điển,chuyển soạn cho piano độc tấu.Nghệ sĩ trình tấu Evgeny Kissin,người Nga gốc Do Thái,sinh năm 1971,là thần đồng piano từ bé,trở thành công dân Anh quốc từ năm 2002.

CÂY VĨ CẦM



Có lẽ trong các loại nhạc cụ cổ điển phương Tây không có một nhạc cụ nào được bao phủ bởi nhiều huyền thoại hơn cây vĩ cầm .Với kiểu dáng thanh tú đã đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật tạo hình,tiếng đàn còn có một sức quyến rủ đặc biệt bởi âm sắc rất gần với giọng hát của con người cùng với âm vực cao vút tận mây xanh.Chỉ với 4 dây đàn trên 4 miếng gỗ mảnh mai nhưng tính năng biểu hiện những cảm xúc tinh tế rất hiệu quả bởi những kỹ thuật thể hiện đa dạng cực kỳ phong phú cùng với âm lượng dồi dào vượt lên trên những nhạc cụ acoustic khác đã khiến cho cây vĩ cầm được mệnh danh là vua của nhạc cụ (Le Roi d'instrument musical).

Ảnh cây vĩ cầm ở trên là một cây vĩ cầm Ý do nhà làm đàn Antonio Stradivarius chế tạo năm 1721.Dòng đàn Stradivari hiện nay còn sót lại trên thế giới độ hơn chục cây đều thuộc quyền sở hữu của các danh cầm hoặc các viện bảo tàng quốc gia,hoặc các nhà tỉ phú.Giá của nó từ một triệu rưỡi đến năm truệu USD.

Trăm nghe không bằng một thấy.Mời các bạn hãy thưởng thức một tác phẩm của nhạc sĩ người Ý Nicolo Paganini (1782-1840),người được mệnh danh là con quỷ của cây vĩ cầm.Tác phẩm Caprice số 24 là một hình thức luyện tập kỹ thuật chơi đàn violon được phát triển trên một chủ đề âm nhạc.Nghệ sĩ trình tấu Jascha Heifetz (1901-1987) là một nghệ sĩ violon hàng đầu thế giới của thế kỷ thứ 20,người Nga gốc Do Thái di cư sang Mỹ năm 1917 vì cách mạng Bonsevich. Sau đó mời các bạn xem câu chuyện về 2 cây vĩ cầm Việt trên đất Pháp.